Chiều ngày 13-5-1981 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bị Ali Agca bắn mấy phát súng vào bụng tại quảng trường thánh Phêrô. Khi ngài được đưa vào nhà thương Gemelli, các bác sĩ đã tận lực chiến đấu để cứu sống Ngài. Họ cắt bỏ chiếc áo lót đẫm máu và vứt nó trên sàn và không ai chú ý tới nó nữa. Nhưng chị y tá Anna Stanghellini đã cuộn nó trong một chiếc khăn, sau đó đem về nhà và cất giữ trong tủ suốt 20 năm trời.
Nữ tu Beatrice bề trên tu viện đã cho biết chính chị Anna để lại thánh tích này cho các nữ tu. Nó gắn liền với một giai đoạn cuộc đời chị. Trước kia, chị Anna cũng đã tu trong dòng thánh Vinh Sơn, nhưng sau một thời gian sống trong tu viện chị thấy ơn gọi đời tu không hợp với chị. Do đó năm 1964 chị ra đời học y tá, rồi làm việc trong nhà thương Gemelli. Nhưng khi về hưu năm 1996, chị lại xin được quay về sống trong nhà dòng cùng với các nữ tu.
Vào một buổi chiều tháng 3 năm 2000 sau bữa tối, chị mời Soeur Bề trên Beatrice lên phòng chị và mở tủ lấy ra một chiếc áo lót và cho biết đó là áo lót Đức Gioan Phaolô II mặc ngày ngài bị mưu sát. Chiếc áo bị cắt ở hai bên phải và bên trái, hơi nhăn, có vết thuốc sát trùng, và ngang tầm bụng có vết máu khô, 3 lỗ nhỏ ghi dấu chỗ đạn. Ở cổ có thêu hai chữ mầu đỏ ”J.P”. Soeur Beatrice quyết định giữ chiếc áo lót đó và đặt trong khung, nhưng giữ kín cho tới khi chị Anna qua đời ngày 22-7-2004.
Một năm sau, tuy không nghi ngờ gì, nhưng Soeur Beatrice muốn có sự chứng thực, nên viết một bức thư và gửi chiếc áo lót cho một vị Hồng Y trong Giáo hội. Soeur nghĩ chắc sẽ không bao giờ được trông thấy chiếc áo lót đó nữa. Nhưng khoảng 2 tuần sau Soeur lại nhận được nó. Đã không có cuộc thử nghiệm nào, vì lá thư của Soeur đã là bằng chứng sự trung thực của nó. Kể từ ngày ấy thánh tích thuộc nhà dòng các nữ tu Vinh Sơn Roma. Ngày nay chiếc áo lót của Đức Chân Phước Gioan Phaolô II được treo trong lồng kính đặt ở gian bên trái nhà nguyện của dòng.
Soeur Beatrice nói: ”Nó cho thấy nỗi đau đớn, sự âu lo và đức tin sâu thẳm của Đức Giáo Hoàng, nhưng cũng cho thấy sự che chở của một bàn tay vô hỉnh nữa”.
Điều đáng nói là sau khi Đức Giáo hoàng bình phục, ngài đã xin tha bổng cho tên sát thủ và trong thời gian khi anh ta ở trong tù ngài có đến thăm và chúc lành.
Sau khi ra tù, anh ta đã học đạo và xin được gia nhập Thiên Chúa Giáo.
Leave a Reply