Chúng tôi xin giới thiệu một bài viết của nhà văn Thủy Hướng Dương.
Những năm 90 thế kỷ trước. Nam Định lúc ấy như đứa trẻ lạc mẹ, hoang mang với một từ duy nhất “Mở cửa” mấp máy trên môi. Mở cửa có nghĩa là ở vùng biên giới giáp Trung, người ta sẽ mở cửa khẩu để người của 2 bên biên giới sẽ qua lại buôn bán. Lúc ấy, người sợ mở cửa nhất là công nhân nhà máy dệt, cán bộ và công nhân nhà máy dệt Nam Định đứng trước cơn bão “mở cửa” không có cách gì cản nổi và cũng không có cách gì để thích nghi. Mở cửa nhanh quá, ào ạt quá. Bởi vì ai cũng biết khăn mặt, vải kẻ (người Việt thời thượng lúc bấy giờ toàn nhập từ Tiệp và Séc, còn bình dân là vải của nhà máy dệt) dù có bán hạ giá thì cũng không bì được với hàng Trung Quốc vừa nhiều mẫu mã lại rẻ.
Ba tôi từ một họa sĩ “con nhà” đã thành ông chủ nhiệm hợp tác xã dệt với khoảng chừng hơn ba chục khung cửi, chuyên dệt các loại vải kẻ bông sợi nhái kẻ Tiệp từ 05 năm trước, đang bắt đầu vượt qua được giai đoạn gồng lỗ chuyển sang có lãi thì cũng buộc phải dừng trước cơn bão “mở cửa”.
Phiên họp cuối cùng với các xã viên rải rác khắp ở thành phố lẫn vùng Lý Nhân, Vụ Bản, Nam Trực…. Ba tôi rưng rưng nói:
Rõ ràng, chúng ta không đủ khả năng cạnh tranh với các mặt hàng Trung Quốc được. Nếu vẫn phải dùng máy dệt bán hiện đại hóa. (Máy dệt bán hiện đại tức là chủ yếu đạp chân, còn khi nào có điện thì mới chạy bằng mô tơ, hồi đó điện đóm phập phù). Mà chúng ta cũng không thể nào ngăn cản “mở cửa”. Dừng lại là tốt nhất để chuyển sang kinh doanh cái khác phù hợp hơn. Nhưng tôi chưa kịp nghĩ ra cái gì giúp bà con. Tôi..tôi.. xin lỗi các bác.
Tôi nhớ, sau buổi chia tay đó. Ba tôi như người mất hồn. Không chỉ cảm thấy có lỗi với xã viên. Mà còn là một nỗi lo cơm áo gạo tiền cho một gia đình bốn đứa con đang tuổi ăn học. Lương đại úy về hưu non của Ba cộng với lương cán bộ nhà máy của Mẹ khéo lắm cũng chỉ tiêu đủ 10 ngày đầu của tháng. Hai mươi ngày nữa sống bằng gì?
Nhà tôi bắt đầu không còn tiếng lạch cạch thoi đưa của khung cửi nữa. Gian buồng mà nay người ta hay gọi là phòng chứa khung cửi nay đã thành phòng riêng của ba chị em tôi. Chúng tôi còn nhỏ, lại coi đó là đặc ân. Tôi từng có nhiều kỷ niệm ở căn phòng đó, trốn mẹ đọc sách đèn dầu. Mẹ vào thì chùm vỏ chăn giấu sách…có bữa suýt cháy cả vỏ chăn. Mà hồi ấy, vỏ chăn con công là bảo bối của mỗi gia đình.
Một tuần sau, ba tôi cho người khuân đến một cái cối xay đậu. Tôi đứng trước hè lạ lẫm. Từ bé đến giờ chưa nhìn thấy cái cối xay đậu bao giờ. Nó to và có hai thớt chồng lên nhau. Thớt ở dưới to hơn còn có thêm một phần Máng để nước đậu xay chảy xuống xô.
Ba tôi bảo, từ nay cái T có việc rồi nhé. Tôi giãy nảy lên:
Sao lại là con? Chỉ mỗi con thôi à? Thế còn con H? –Tôi chỉ vào con em út. Nó lúc nào cũng được ba mẹ ưu tiên chẳng phải làm việc gì bằng một câu “nó thì biết gì mà làm”.
Tôi ấm ức nhưng không cãi được. Ba tôi không phải là người dễ dàng cho phép con cái cãi lời. Ba ít khi cười, chỉ khi nào vẽ hoặc nói chuyện tranh pháo mới thấy ba cười thoải mái.
Cái cối xay đậu được khiêng vào sân sau gần chỗ bể nước, chồm hỗm, lừng lững. Từ hôm ấy, cứ tầm 3h30 sáng tôi bị mẹ đánh thức dậy xay đậu. Nhiều hôm tôi buồn ngủ, tay thì cứ xay còn mắt thì nhắm nghiền. Xay mãi mà không đổ nước, rồi có lúc xay hết đậu cũng chẳng tiếp đậu vào. Đó là những ngày tôi sợ nhất trong đời. Nhiều lúc cứ tự hỏi, sao lại là mình phải làm đậu, tôi ghét những thanh đậu dài thơm phức lúc đã đóng thành khuôn. Tôi cũng ghét cái nước chua – là thứ nước được dùng làm đậu kết tủa. Tôi thấy ba tôi cười vì đậu nhà mình bán đắt hàng. Ba tôi còn cho mấy người nghèo ở khu khác bã đậu. Bã đậu được viên thành những viên to tròn như nắm tay. Ba nói, người ta nghèo không có tiền mua đậu, dùng bã đậu xào mỡ lên ăn cũng thấy ngon. Tôi cãi, bã đậu cho lợn ăn, ngon gì mà ngon. Ba đừng có đối xử với người ta như thế. Ba bắt con xay đậu, làm đậu khi con mười mấy tuổi cũng không nên.
Ba tôi không nói gì. Chỉ quay đi. Không dám nhìn thẳng vào mắt tôi.
Mãi sau này mới hiểu Ba tôi, vì không thể làm gì với cái chân què thương binh hạng nhất nên Ba chỉ còn có thể giúp mẹ tôi kiếm tiền bằng cách đó. Làm đậu cho mẹ đi bán sớm trước khi tới giờ vào nhà máy. Lúc Ba quay đi là lúc ông giấu giọt nước mắt trực trào ra.
Bây giờ, sơn hào hải vị chẳng có gì là chưa được nếm nhưng vẫn cứ thích gọi một món đậu sốt cà chua. Để mỗi khi ăn đậu, nhất là đậu sốt cà chua, lúc nào cũng nhớ đến Ba. Tưởng tượng ra hương vị đậu sốt cà ngày ấy. Vì Ba tôi sốt đậu cà chua ngon nhất quả đất. Ba nói, việc nấu cơm là của Mẹ các con. Nhưng vì ba muốn thưởng cho cái T chăm xay đậu, vắt đậu, đổ khuôn… nên ba tự làm. Cái vị đậu sốt cà chua ba làm nó là cái vị của người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, vừa xù xì thô ráp nhưng lại vừa thơm thơm mùi hành hoa, quyện tóp mỡ ngầy ngậy, beo béo.
Những lúc chông chênh nhất, vẫn thầm cảm ơn Giời vì vẫn còn có Ba trong ký ước để mà nhớ. Vì ngoài Ba ra chẳng còn ai là đàn ông để mà nương tựa.
P/s: Nhân vừa đọc tút làm đậu của chị Phan Bạch Yến chợt nhớ Ba. Chỉ còn mấy ngày nữa là giỗ Ba lần thứ 9.
Chũm iu cạ thương.
Leave a Reply