NGƯỜI VÔ ĐỊCH ĐỌC SÁCH THỨ THIỆT!

“Hồi nhỏ nếu không có các Thư viện Công New York thì không biết cuộc đời tôi có đi đến đâu không,” ông hồi tưởng lại.

NGƯỜI VÔ ĐỊCH ĐỌC SÁCH THỨ THIỆT

Nếu xét về số lượng sách đã đọc, tốc độ đọc và khả năng nhớ những gì đã đọc, tôi không nghĩ trên thế giới có ai có thể qua mặt được ông. Nhiều tờ báo từng đăng rằng ông có thể đọc 1,000 trang trong vòng một tiếng đồng hồ. Khi ông mất, hai tờ báo New York Times và Economist cho biết ông có thể đọc 400 trang trong một giờ, và không những đọc mà còn có thể nhớ gần hết những gì vừa đọc.

Ông là Harold Bloom, giáo sư văn chương trường đại học Yale (về sau có dạy thêm cho NYU) và, theo Bách khoa toàn thư Britanica, là “một trong những nhà phê bình văn chương được đọc nhiều nhất ở các quốc gia nói tiếng Anh”.

Ông sinh năm 1930 ở khu Bronx, thành phố New York, trong một gia đình nghèo gồm 5 anh chị em. Cha mẹ ông là dân di cư gốc Do Thái từ Đông Âu chạy sang Mỹ định cư. Cha ông là công nhân may mặt, thường thất nghiệp không kiếm được việc làm.

Năm 3 tuổi ông tự dạy mình đọc tiếng Yiddish, năm 4 tuổi tự học tiếng Hebrew và năm 5 tuổi tự học đọc tiếng Anh, rồi nhờ các chị gái lớn tuổi hơn dẫn ông ra thư viện Melrose (thuộc hệ thống Thư viện Công New York) để mượn sách về đọc.

Sau khi đọc hết toàn bộ các sách có ở thư viện này, ông chuyển sang đọc sách ở một chi nhánh thư viện khác là Thư viện Fordham, đây là một thư viện chuyên về các sách khảo cứu. Ông đọc hết toàn bộ sách ở đây trước năm 15 tuổi và rồi bắt đầu mua vé đi tàu điện ngầm để đến đọc sách ở thư viện chính và to nhất của hệ thống Thư viện Công NY. Ở đó ông cũng hạ quyết tâm sẽ đọc hết toàn bộ sách của thư viện, nhưng như ông nói trong một cuộc phỏng vấn: “dĩ nhiên tôi sẽ không bao giờ thành công được”.

Năm 16 tuổi, ông nhận được học bổng của đại học Cornel và trở thành sinh viên của trường. Trong 4 năm tiếp theo, ông lại đặt ra cho mình mục tiêu cố gắng đọc hết số sách trong thư viện của trường. Khi ông tốt nghiệp, ban giảng huấn của khoa một mực cho rằng họ không còn gì để dạy ông và yêu cầu ông theo học chương trình sau đại học ở nơi khác.

Harold Bloom chuyển sang học ở đại học Yale và lấy tấm bằng tiến sĩ trong vòng 4 năm, rồi trở thành giáo sư giảng dạy ở đây cho đến khi ông mất. Trong một cuộc phỏng vấn năm ông 70 tuổi trên chương trình tác giả-tác phẩm (Booknotes) của C-SPAN, ông nói “trong 46 năm qua tôi đã cố gắng đọc hết sách ở thư viện Yale, một điều mà không một con người nào có thể làm”. Tôi nghĩ là ông chỉ muốn nói đùa.

Ông là một giáo viên tận tâm với nghề nghiệp và với học trò. Lớp ông dạy về Shakespeare ở đại học Yale luôn được sinh viên săn đón để đăng ký và có số lượng sinh viên theo học đông không tưởng.

Trong cuộc phỏng vấn trên C-SPAN, ông nói ông hy vọng có thể tiếp tục đứng dạy cho đến khi chết, cho đến khi nào người ta “khiêng xác tôi ra khỏi lớp dạy cuối cùng của mình” và “Nếu không dạy học tôi sẽ phát điên và cảm thấy hoàn toàn vô dụng”. Ông mất vào một ngày thứ Hai, 14-10-2014, thọ 89 tuổi. Thứ 5 tuần trước đó ông vẫn còn đứng dạy lớp học cuối cùng của mình ở Yale.

Harold Bloom là tác giả của hơn 40 cuốn sách, trong đó có những cuốn thuộc dạng bán chạy nhất ở Mỹ, và là biên tập viên của khoảng 600 cuốn sách phê bình, phân tích về các tác giả, tác phẩm trên thế giới.

Ông đọc sách đủ mọi thể loại và đọc không ngừng nghỉ, đến độ vợ ông thường hay nhắc ông đứng dậy khỏi ghế và đi bộ một vòng quanh khu phố để vận động cơ thể. Căn nhà ông ở thành phố New Haven (nơi có đại học Yale) có khoảng 50 ngàn cuốn sách. Căn hộ ở New York của ông (nơi ông ở mỗi khi đi dạy cho đại học New York) có khoảng 15 ngàn cuốn sách, và 2 văn phòng của ông ở đại học Yale cộng lại có khoảng 30 ngàn cuốn sách.

Trong cuốn “Đọc như thế nào và tại sao phải đọc” ông cho rằng, “người đọc giỏi không những đọc để khám phá và nâng cao bản thân”, mà còn để nhận biết và khám phá “cái xa lạ và đối lập (otherness) trong bản thân, bạn bè và những người có thể trở thành bạn bè”.

Ngoài ra, ông còn quan niệm chúng ta đọc “để chuẩn bị cho những thay đổi trong đời,” nhất là “sự thay đổi cuối cùng trong đời người”, tức ông muốn nói đến cái chết.

Tôi đồng ý. Những người không đọc sách và lười suy nghĩ có thể rơi vào tình trạng mà một tác giả vô danh đã viết, “họ sống cứ như thể sẽ không bao giờ chết, và rồi chết như thể chưa bao giờ sống”.

Bài viết được chúng tôi sưu tầm trên mạng, không rõ tác giả. Nếu bạn biết tác giả bài viết là ai, xin để lại bình luận để chúng tôi cập nhật. Xin cảm ơn!


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *