Trên thế giới mỗi giây có hàng trăm nghìn que diêm được cháy lên. Tất cả những que diêm đó đều là kế thừa từ phát minh của nhà hóa học Thụy Điển Gustaf Erik Pasch. “Diêm Thụy Điển” đúng là được sản xuất đầu tiên ở Thụy Điển.
Diêm dùng để phát lửa, thay thế cho đá lửa, xuất hiện đầu tiên vào đầu thế kỷ 19. Các công nghệ để khởi động phản ứng đốt cháy hóa học rất khác nhau: lúc đầu, một thanh gỗ phải được nhúng trong lọ axit mang theo bên mình, sau đó xuất hiện các que diêm chứa phốt pho trắng – một chất độc và rất dễ cháy, có thể tự bắt lửa từ ma sát nhỏ nhất ngay trong túi quần.
Vấn đề đã được giải quyết bởi nhà hóa học người Thụy Điển, Gustav Erik Pasch vào năm 1844. Ông thay thế phốt pho trắng bằng phốt pho đỏ vô hại và áp dụng nó vào hộp và vật liệu tạo ra ma sát với đầu que diêm, nhờ thế diêm không bị đánh lửa vô tình. Đây chính là thời điểm xuất hiện diêm an toàn đầu tiên.
Nhưng diêm có được thành công trên thế giới là nhờ một nhà hóa học và nhà phát minh người Thụy Điển khác, Johan Lundström, cùng với anh trai ông, doanh nhân Karl. Họ đã cải tiến phát minh của Pasch, tạo ra bao diêm có ngăn trượt như ngày nay và bắt đầu được sản xuất hàng loạt. Năm 1855, diêm của 2 anh em Lundström được trao huy chương tại Triển lãm Thế giới Paris, và nhà máy của anh em nhà Lundström ở Jönköping đã trở thành trung tâm của ngành công nghiệp diêm thế giới trong một thời gian dài.
Diêm an toàn vẫn được gọi là “Diêm Thụy Điển” trong nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Hiện Thụy Điển là nước xuất khẩu diêm lớn nhất châu Âu và đứng thứ hai thế giới sau Ấn Độ.
Leave a Reply