CHILL everyday xin giới thiệu một bài rất hay của thầy Hoang Thach Quan.
Câu chuyện này xảy ra ở Mỹ vào thập niên 40, trong đó nhân vật chính là một cậu bé xuất thân từ một gia đình nghèo, tên Ronald Clark.
Cha cậu bé, ông Raymond, được thuê làm người trông coi, quét dọn (custodian) cho một thư viện thuộc hệ thống Thư Viện Công Cộng Thành Phố New York. Vào thời đó, những người làm nghề này được phép sống bên trong thư viện cùng gia đình mình. Vì vậy nơi cư ngụ của gia đình cậu bé Ronald là tầng trên cùng của tòa nhà thư viện thuộc khu Manhattan.
Cậu bé Ronald xấu hổ vì điều này. Vì cũng giống như bao đứa trẻ nhà nghèo khác trên thế giới, cậu chỉ ao ước được làm một đứa trẻ “bình thường” như bao đứa trẻ khác. Cậu hình dung ra chúng bạn sẽ nói gì nếu biết “nhà” của cậu là ở đâu. Chúng sẽ kháo với nhau rằng “Thằng Ron sống trong thư viện”. Câu “sống trong thư viện” thông thường được dùng với một nghĩa bóng, mang sắc thái khâm phục xen lẫn ghen tị. Nhưng nếu nó được nói và hiểu theo nghĩa đen, cậu sẽ trở thành trò cười cho đám bạn. Vì vậy cậu không dám mời một người bạn nào về nhà chơi.
Nhưng rồi Ronald nhanh chóng nhận ra rằng bên cạnhnhững sự bất tiện của việc sống bên trong thư viện cậu còn được hưởng cả những sự thuận lợi “vô giá” khác. Chẳng hạn như nếu ban ngày cậu phải giữ yên lặng, không được làm ồn, thì sau khi thư viện đóng cửa, cậu được quyền chạy nhảy khắp nơi trong đó và có thể hét to hết mức cho thoả thích. Và điều quý giá nhất là nếu như có một câu hỏi bất chợt nảy sinh trong đầu, cậu có thể ra khỏi giường lúc nửa đêm, đi xuống thư viện tìm câu trả lời trong một cuốn sách, và ngồi đó đọc cho đến tận 3 giờ sáng.
Trong gia đình cậu, cả cha lẫn mẹ không ai học hết cấp 3, nói gì đến chuyện học lên đại học. Nhưng Ronald là người đầu tiên trong gia đình bước chân vào giảng đường đại học, rồi tốt nghiệp đại học, rồi sau đó trở thành giáo sư dạy môn Lịch sử tại Đại học Cộng đồng Cape Cod bang Massachussetts.
Khi đã là U80, ông Ronald Clark đem kể câu chuyện này cho con gái mình nghe, câu chuyện được ghi âm lại và phát trên đài phát thanh quốc gia NPR của Mỹ vào tháng 10 năm 2017. Trong cuộc truyện trò cùng con gái, ông giải thích rằng chính cái thư viện – mà ông gọi là “ngôi đền kiến thức” – đã đem lại cho ông “một sự khao khát học hỏi kéo dài suốt cả cuộc đời”.
Sau khi trở thành giáo sư đại học, ông Ronald chở cha mình đến trường, dẫn ông đến trước văn phòng của mình và chỉ cho cha ông thấy tấm bảng hiệu bên ngoài cánh cửa với dòng chữ “Giáo sư Clark”. Vốn là người ít nói, cha ông chỉ im lặng gật đầu, nhưng theo như lời ông Ronald kể với con gái, “cha nhìn thấy ánh mắt ông nội con nhìn vào tấm bảng tên đó. Ông nội đã luôn muốn cha có lòng khao khát vươn lên”.
Rồi ông kết luận, “Cha không thể hình dung được cuộc đời mình đã ra sao nếu như hồi đó cha không sống ở trong thư viện”.
Leave a Reply