Cố gắng hay cố chấp

Cố gắng hay cố chấp?

Tôi chia sẻ với các bạn câu chuyện này.

Khi tôi đi tập gym, huấn luyện viên luôn thúc đẩy để tôi tiếp tục tập khi cơ đã mỏi, hay ở những lượt đẩy tạ cuối cùng. Lúc đó cảm giác cơ tay như xé ra, thỉnh thoảng run lên, còn đầu óc thì căng lên hết cỡ. Lúc đó chỉ cần ý nghĩ là mình không làm được, thì toàn bộ cơ thể sẽ bỏ cuộc. Còn nếu chỉ tập trung vào việc đẩy thôi thì có thể hoàn thành bài tập, không thì cũng làm hết sức mình. (1)

Cố gắng hay cố chấp

Hôm trước tại phòng tập gym, tôi bị đau vai trái sau khi đẩy tạ. Phần đau ở vai, cứ nhấc tay là rất đau. Huấn luyện viên bảo buổi này tôi không tập các phần liên quan đến vai nữa.

Nếu đau kiểu đó thì không nên cố. (2)

Cùng cảm nhận về đau, nhưng một người hiểu chuyện sẽ biết khi nào cần cố gắng, khi nào đang cố chấp. Tôi nhận thấy gần đây hay đọc được các bài viết thường nói về việc “cố” quá. Đại loại về việc, chúng ta nên xử lý hết vấn đề chứ đừng mang tâm lý nạn nhân, hay nghỉ ngơi để né tránh công việc. Tôi thấy điều này không sai, nhưng một vài người trẻ (như tôi), có thể phiên dịch thông điệp trên thành sự cố gắng cực đoan, tức phải hoàn thành công việc bằng mọi giá. Đôi khi cái giá đó là sức khỏe, tiền bạc và cả mối quan hệ.

Mời bạn tham khảo Chìa Khóa Của Thành Công là gì?

Cố gắng hay cố chấp?

Tôi tin vào việc cố gắng sẽ góp phần giúp chúng ta thành công. Đồng thời, tôi cũng tin vào việc nghỉ ngơi, xem xét lại, làm việc khoa học cũng góp phần như vậy. Câu hỏi đặt ra là, lúc nào chúng ta nên cố thêm nữa (để phát triển,), lúc nào chúng ta nên ngừng cố (vì có thể sập, cả thể chất lẫn tinh thần?). Sau một quá trình tìm hiểu, tôi tìm được từ khóa sau:

“Khả năng nhận thức.”

Nhận thức là khả năng nhận biết được hiện tại. Điều này đồng nghĩa được thấy rõ điều mình đang làm (và có thể hiểu được tại sao mình làm điều đó). Mất nhận thức tức là không thấy rõ được hiện tại, biểu hiện ở sự hoảng loạn, bối rối, “vô tri” (làm như robot, không biết mình đang làm). Kết hợp khả năng nhận thức với việc “cố”, ta có ma trận sau:

  • Nhận thức + Bỏ công sức = Cố gắng
  • Mất nhận thức + Bỏ công sức = Cố chấp
  • Nhận thức + Thư giãn = Nghỉ ngơi, hồi phục
  • Mất nhận thức + Thư giãn = Trì trệ

Trở lại ví dụ trên, trong trường hợp (1), tôi tiếp tục thúc hết sức mình đẩy tạ tại vì tôi biết lúc mệt nhất là lúc cần cố, vì khi cơ bắp mỏi chính là lúc tập vào nhất. (Nguyên lý phát triển cơ là làm các sợi cơ bị tổn thương ở một mức độ nhất định, sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, phần cơ bắp bị tổn thương sẽ tăng khối lượng và kích thước), lúc này tôi đang ở Vùng cố gắng. Còn vào trường hợp (2), tôi dừng lại vì tôi đã tổn thương cơ do tập sai tư thế. Nếu cứ vờ như không có đau mà tập tiếp cho đủ số lượng, tôi có thể tổn thương nặng hơn, dẫn đến chấn thương (kết quả của Vùng Cố chấp).

Và một điều nữa là sau khi tập xong cần ăn bổ sung protein và ngủ đủ, để cho cơ hồi phục. Tôi gọi đó là Vùng nghỉ ngơi. Giả định tôi không đi tập mà chỉ ở nhà ngủ & lướt web, tôi sẽ rơi vào Vùng trì trệ.

Cố gắng hay cố chấp

Tôi vẽ ra sơ đồ này để bản thân không bị rối loạn trong việc cố gắng và nghỉ ngơi. Tôi cũng muốn chia sẻ lại cách tư duy của mình cho các bạn. Đôi lúc chúng ta sẽ thấy mệt, đôi lúc người khác sẽ bảo chúng ta chưa đủ cố gắng, hoặc ngược lại, chúng ta có thể đang nuông chiều bản thân quá mức (dẫn đến mệt), lúc đó, bạn có thể xem lại biểu đồ này. Hi vọng nó sẽ giúp bạn lựa chọn được đúng chiến thuật vào đúng thời điểm, và không bị ảnh hưởng bởi “peer pressure” (Văn mẫu: khi bạn đang nghỉ ngơi, người khác nỗ lực gấp trăm lần bạn).

Chúc bạn tìm được nhịp điệu phù hợp cho cuộc sống của mình.

-Phan Việt-

Bài viết được chúng tôi sưu tầm trên mạng, không rõ tác giả. Nếu bạn biết tác giả bài viết là ai, xin để lại bình luận để chúng tôi cập nhật. Xin cảm ơn!


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *