Bức họa nổi tiếng khắp thế giới nầy do họa sĩ Leonardo da Vinci vẽ năm 1503, mình không hiểu nó hay ở chỗ nào. Khi tôi đi xem ở viện bảo tàng Louvre, nó được bảo vệ bằng tấm kính dầy, đứng đàng xa không thấy gì hết, nên chẳng cảm nhận gì đẹp cả.
Nay đọc một tài liệu phân tích chi tiết bức tranh, gật gù mới thấy hay, dù theo kiểu bị dắt mũi. Xin trình bày lại với các bạn.
Trước hết về lịch sử: đây là một trong những bức họa đầu tiên trong thời kỳ mà người ta chỉ vẽ 3 thứ về đàn bà. Một là các nhân vật thần thoại Hy lạp như thần Vệ nữ, hai là các nhân vật tôn giáo như Đức mẹ, và ba là các nhân vật quyền quí như nữ hoàng Sheba. Các mẫu người nầy được sửa đổi thật hoàn thiện theo ý tưởng tượng, mũi dài ra một tí, cổ cao hơn một tí, cảnh trí lúc nào cũng hoành tráng, và dĩ nhiên là không có thật.
Mona Lisa không theo phong cách đó. Hoạ sĩ da Vinci đã biến người trong tranh như thật, ngồi tựa lên ghế thoải mái, đang theo dõi bạn, miệng hơi mĩm cười.
Miệng của Mona Lisa môi hơi nhếch lên 2 góc như nhẹ cười (hình 1).
Mắt và miệng như vừa chú tâm đến bạn, vừa tỏ vẻ hóm hỉnh một cách kín đáo. Để đạt được cái nhìn nầy (eye contact), mắt trái được vẽ nhìn thẳng vào bạn, và mắt phải hơi lệch về góc mắt (hình 2).
Hai bàn tay khép dịu dàng theo một tam giác, tạo một chiều sâu và tạo cảm giác thoải mái cho người xem (hình 4).
Da Vinci còn tạo cảm giác chiều sâu phía phông, người mẫu ngồi giữa 2 cột (khó nhận ra nếu không để ý), cây cầu nằm bên dưới bên phải (hình 5), con đường quanh co bên trái, ẩn hiện các lùm cây.
Nếu nhìn kỹ, Mona Lisa quấn một voan mỏng phủ lên tóc, chân tóc trước trán và chân mày được nhổ, thịnh hành thời bấy giờ (hình 3).
Các nếp gấp áo được vẽ rất kỹ, nguyên bản màu cam saffron nhưng bị bay màu và vì sơn phủ các lớp sơn bảo quản (hình 6).
Đặc biệt là trên người không mang một trang sức nào, dù người ta cho rằng người mẫu là vợ của Francesco del Giocondo, một thương gia giàu đổ vách ở Florence thời bấy giờ.
Cách vẽ của da Vinci được nhiều họa sĩ đời sau học hỏi và thể hiện theo kỹ thuật đó.
Nguồn: Great Paintings, Karen Hosack Janes, sách tranh DK
Leave a Reply